Hotline: 02933 871 036, 0908 81 81 72 Giỏ hàng (0)

BỆNH CÚM GIA CẦM (AVIAN INFLUENZA-AI)

BỆNH CÚM GIA CẦM (AVIAN INFLUENZA-AI)
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Đức Hiền - Giảng viên sau Đại học, Đại học Cần Thơ

         Cúm gà hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm (hay chim), và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Ý vào đầu thập niên 1900 và giờ đây được phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Virus cúm gà có tên khoa học là Avian influenza (AI) thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxoviridae. Đây là những retrovirus, mang vật liệu di truyền là những đoạn phân tử RNA, sợi đối mã (sợi âm tính). Biến chủng H5N1 của virus cúm gà bắt đầu hoành hành từ năm 1997 và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch cúm đối với con người trong tương lai.

 

Influenza A virus

Ảnh chụp những tiểu phần virus được nhuộm âm tính trên kính hiển vi điện từ truyn qua.

 (Nguồn: Dr. Erskine Palmer, Centers for Disease Control and Prevention Public Health Image Library).

 

         Tìm hiểu về bệnh cúm gia cầm và những nguy cơ thực sự của nó để tìm kiếm biện pháp phòng chống hiệu quả hơn và định hướng cho phát triển của chăn nuôi gia cầm trong thời gian tới vẫn đang là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới.

 

         Virus cúm A và phân type H5N1

         Virus gây bệnh cúm thuộc họ Orthomyxoviridae, được chia thành 3 type là A, B và C dựa trên sự sắp xếp giữa các nucleoprotein và kháng nguyên nền (matrix protein antigens). Virus gây bệnh cúm gia cầm thuộc Type A, type này có thể lây nhiễm tự nhiên ở loài chim, heo, người và một số loài động vật có vú khác.

         Virus cúm type A được chia thành các phân nhóm dựa vào hai kháng nguyên bề mặt là hemagglutinin (H) có vai trò trong việc gắn kết vào điểm cảm thụ giúp cho virus xâm nhập tế bào và neuraminidase (N) có vai trò giúp virus phóng thích khỏi tế bào vật chủ và nó cũng có tác dụng trên niêm mạc đường hô hấp giúp cho virus dễ xâm nhập tế bào biểu mô hơn. Hiện nay người ta biết được virus cúm A có 16 loại cấu trúc kháng nguyên H và 9 loại cấu trúc kháng nguyên N khác nhau; như vậy tổ hợp lại thì có khả năng tạo ra 144 phân nhóm virus cúm gà khác nhau. Ngoài ra, mỗi phân nhóm virus lại được chia thành 2 phân nhóm có đặc tính xâm nhiễm thấp (lowly pathogenic avian influenza - LPAI) và nhóm có đặc tính xâm nhiễm cao (highly pathogenic avian influenza -HPAI).

 

Mô hình virus cúm A -H5N1

(Photo by Russell Kightley Media: Scientific Illustration)

 

         Virus gây bệnh cúm gia cầm hiện nay là phân type H5N1 thuộc nhóm độc lực cao (HPAI), virus có khuynh hướng gắn vào điểm cảm thụ α-2,3 sialic acid và receptor này hiện diện ở tế bào đường hô hấp và đường ruột gia cầm. (Ở người, điểm cảm thụ là α- 2,6 sialic acid có ở tế bào đường hô hấp trên). Do đó, căn cứ vào khuynh hướng tự nhiên thì H5N1 gây nhiễm chủ yếu cho gia cầm hơn là người.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy ở người cũng có điểm cảm thụ α- 2,3 sialic acid nên cũng có thể nhiễm H5N1, tuy nhiên do receptor này ở các tế bào nằm sâu trong các túi phổi nên virus khó xâm nhập, và nếu đã xâm nhập vào được thì virus cũng rất khó đi ra khỏi tế bào sau khi sao chép sinh sôi để lan truyền sang các tế bào khác.

 

         Phân nhóm H1N1

         Phân nhóm H1N1 là chủng virus cúm A được phân lập đầu tiên. Đầu tháng 10 năm 2005, các nhà khoa học tuyên bố rằng họ đã khôi phục thành công chủng virus gây ra dịch cúm Tây Ban Nha. Những trình tự gene cho thấy đại dịch năm 1918 này là do virus phân nhóm H1N1 gây ra, thường được coi là chủng gây cúm lợn nhưng có khả năng truyền nhiễm.

 

Giải mã virus H1N1

 

         Vào tháng 3 và tháng 4 năm 2009 một đợt bùng phát dịch với một chủng mới của virus H1N1 đã dẫn đến gần 2.000 ca nhiễm và hàng chục người đã chết. Theo WHO, tính đến ngày 6/5/2009 đã có 1.893 ca nhiễm tại 23 quốc gia, nhiều nhất là ở Mexico, trong số đó có 31 ca đã tử vong (27 tại Mehico, 2 tại Mỹ). Tại Việt Nam, đến 30/10/2009 đã có 36 người tử vong vì nhiễm cúm A H1N1.

         Như vậy là ở nước ta đang tồn tại song song 2 chủng virus cúm A: H5N1 và H1N1. Vì vậy không loại trừ nguy cơ 2 chủng virus này tái tổ hợp tạo thành chủng virus mới có độc lực cao hơn. Nhất là trong mùa thu đông tới, số bệnh nhân nhiễm cúm có thể gia tăng bởi yếu tố nhiệt độ thấp dễ tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển.

 

         Đường truyền lây

        Virus cúm gia cầm có nhiều trong dịch tiết đường hô hấp và phân gia cầm bệnh. Một gram phân có thể chứa đủ lượng virus để nhiễm cho 1 triệu con gia cầm. Do đó việc lây nhiễm bệnh cúm do tiếp xúc trực tiếp rất mạnh. Ngoài ra, cũng như nhiều bệnh truyền nhiễm khác do virus khác, virus cúm A H5N1 có thể lây truyền gián tiếp qua không khí, thức ăn, nước, quần áo, dụng cụ chăn nuôi, trên chân và thân của các loài gặm nhấm….

        Các chủng của virus cúm gà có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như chim, heo, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người. Bệnh cúm gà lây truyền qua không khí và phân bón, nhưng cũng có thể gây nhiễm trên thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo.

        Vai trò của các loài chim di trú trong việc lan truyền bệnh vô cùng quan trọng. Khởi phát từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, theo các loài chim hoang di trú, virus H5N1 đã phát tán ra nhiều châu lục làm chết hàng chục triệu gia cầm, và từ 12/2003 – 8/2006 đã có 138 người chết do H5N1. Các trường hợp tử vong phần lớn tập trung ở các nước Châu Á, nơi có sự tiếp xúc gần gũi giữa gia cầm và dã thuỷ cầm do tập quán chăn nuôi vịt chạy đồng, nuôi gà thả vườn, hoặc sự tiếp xúc giữa gia cầm và con người qua hoạt động mua bán gia cầm sống, trứng tươi tại các chợ cũng như sử dụng món ăn chế biến từ máu gia cầm sống như món “ tiết canh” tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virus cúm gà có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín.

 

         Nhận biết bệnh cúm gia cầm

         Tuỳ theo loài nhiễm bệnh mà triệu chứng bệnh cúm gia cầm thể hiện khác nhau.

         - Ở gà: thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày, gà nhiễm trùng huyết, viêm đường hô hấp và xuất huyết ở nội tạng và tổ chức dưới da. Gà bị nhiễm H5N1 chết nhanh, trong vòng 48 giờ, tỉ lệ chết có thể lên đến 90% và trong 3 - 4 ngày sau khi nhiễm, có thể chết hết toàn đàn. Các đàn gà nhiễm bệnh có các triệu chứng như xù lông, tiêu chảy và có âm hô hấp. Trước khi chết gia cầm nhiễm bệnh có biểu hiện triệu chứng thần kinh gồm bại liệt và xoăn vặn cổ. Bệnh tích có thể quan sát được là phổi xung huyết trầm trọng, lách sưng to, mề, tiền mề và ruột xuất huyết. Xuất huyết dưới da của ống chân, phù quanh mí mắt, mào và tích tụ huyết xanh tím.

 

 

           Mào, tích sưng xuất huyết điển hình ở gà      Xuất huyết da ống chân gà

 

       Bệnh tích xuất huyết niêm mạc dạ dày cơ và dạ dày tuyến rất dễ nhầm với bệnh Newcastle ở gà; gan xung huyết, phù nề có các điểm hoại tử rất dễ nhầm với bệnh tụ huyết trùng ở gia cầm.

      - Ở vịt: triệu chứng thể hiện nhẹ hơn gà, đa số vịt mang trùng không thể hiện triệu chứng và chết thể cấp tính với biểu hiện triệu chứng thần kinh, co giật. Bệnh tích viêm nhẹ mí mắt và xuất huyết nội quan của vịt bệnh cúm cũng rất giống với bệnh dịch tả vịt.

      Triệu chứng ở các loài gia cầm khác như chim, cút, ngan, ngỗng chỉ thể hiện ủ rũ và chết đột ngột với tỉ lệ cao.

 

       Khả năng trở thành đại dịch

      Từ hậu quả của đại dịch cúm năm 1918 gây chết đến 50 triệu người, nhiều nhà khoa học cảnh báo nếu virus cúm A H5N1 có khả năng đột biến thành một chủng gây bệnh cho người, sẽ gây ra đại dịch cúm toàn cầu với tỉ lệ tử vong có thể đến hàng trăm triệu người. Đây cũng là một lo ngại có cơ sở, vì virus cúm A có hệ gen là ARN nên chúng dễ tự biến đổi hơn virus có hệ gen ADN.

 

Mối liên hệ của các loài trong việc lây nhiễm virus cúm gia cầm và khả năng tạo biến chủng mới

 

       Ngoài ra, việc nuôi gần gũi giữa gia cầm và heo phổ biến tại nhiều nông hộ ở một số quốc gia như Trung quốc, Thái Lan, Việt Nam... là điều kiện thuận lợi để virus cúm A H5N1 tạo biến chủng mới.

      Heo (lợn) có hai thụ thể α-2,3 sialic acid và α-2,6 sialic acid nên chúng nhạy cảm với cả chủng cúm gia cầm và cúm người. Do đó, có thể xảy ra sự xắp xếp lại hệ gen (tái tổ hợp) khi cả 2 loại virus cúm cùng nhiễm vào một tế bào; và kết quả là có thể xuất hiện một loại virus mới nhạy cảm với người sẽ gây thành đại dịch gây chết hàng trăm triệu người.

      Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngày nay điều đó khó có thể xảy ra vì sự phát triển vượt trội của y học hiện nay so với thời điểm xảy ra đại dịch cúm năm 1918. Hiện nay, chúng ta có thể kiểm soát được virus thông qua việc sát trùng ổ dịch, loại bỏ gia cầm nhiễm bệnh đồng thời thực hiện chương trình tiêm phòng vacxin để ngăn chận dịch bệnh lây lan. Mặt khác, các loại thuốc điều trị cúm như Tamiflu (oseltamivir) hay Relenza (zanamivir) đã cho kết quả điều trị tốt trên người hoặc những nghiên cứu thuốc điều trị cúm trên gia cầm như Hypericin (chiết xuất từ cây Hyperycum perforatum L) đang được thử nghiệm với kết quả bước đầu khả quan. Ngoài ra, nếu đại dịch H5N1 xảy ra thì với hệ thống thông tin liên lạc hiện nay, một kế hoạch liên kết giữa nhiều quốc gia thành một kế hoạch toàn cầu để khống chế dịch bệnh sẽ được thực hiện nhanh chóng .

 

       Phòng chống dịch bệnh: 

      Bệnh cúm gia cầm không chỉ gây dịch ở gia cầm mà còn có thể lây bệnh cho người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội. Để phòng bệnh đạt hiệu quả cao cần phối hợp nhiều biện pháp.

 

      Phòng bệnh cúm ở gia cầm:

      - Đổi mới phương thức chăn nuôi: Chăn nuôi tập trung, trang trại, cách xa khu dân cư theo qui trình chăn nuôi khép kín là điều kiện hàng đầu trong phòng bệnh. Tuy nhiên, việc nuôi gia cầm thả vườn, nuôi vịt chạy đồng là tập quán chăn nuôi lâu đời của người nông dân, không thể xoá ngay được, trước mắt cần tổ chức mạng lưới cung ứng vaccine đầy đủ và kịp thời cho người dân chủ động tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình với tỉ lệ 100%, sau đó có kế hoạch giảm dần theo một lộ trình thích hợp.

     - Kiểm soát giết mổ: Xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung để kiểm soát nguồn gốc và tình hình dịch bệnh của gia cầm giết mổ, áp dụng dây chuyền giết mổ tự động và đóng gói sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ.

     - Không buôn bán gia cầm sống tại các chợ và khu vực đông dân cư.

     - Tiêm phòng bằng vacxin H5N1 cho gà và vịt. Gà 2-5 tuần tuổi tiêm 0,3ml/con, trên 5 tuần tiêm 0,5ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc lại 1 lần. Vịt 2 -5 tuần tuổi tiêm 0,5ml/con, sau 28 ngày tiêm nhắc 1ml/con, sau đó 4 tháng tiêm nhắc 1 lần.

     - Cho đến nay vẫn chưa có vacxin phòng cúm gia cầm trên vịt xiêm (ngan), ngỗng, chim cút, gà ác, các loài chim và nhiều loài động vật hữu nhũ khác. Do đó, nguy cơ nhiễm bệnh trên các loài này rất cao. Trước mắt không nuôi chung các loài này với gà vịt, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng bệnh bằng an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh, tiêu độc sát trùng và tăng cường dinh dưỡng để gia tăng miễn dịch. Tăng cường dinh dưỡng: TS. Frank W. Edens (2006) chứng minh có mối liên hệ giữa bệnh cúm gia cầm và selenium. Tác giả cho rằng sự thiếu hụt selenium vừa làm gia tăng sự nghiêm trọng của bệnh cúm vừa tăng sự hoán chuyển gen của virus. Những thực nghiệm của Frank W.Edens đưa đến hy vọng bổ sung Selenium hữu cơ vào khẩu phần nuôi dưỡng gia cầm có thể giúp giảm khả năng tạo biến chủng của virus cúm A H5N1.

     - Tiêu độc sát trùng: Phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần bằng các loại thuốc thông dụng như nhóm aldehyde (formol, glutaraldehyd), phenol, các phức hợp chứa iodine, các loại hóa chất gây oxy hóa (sodium dodecyl sulfate) đều có hiệu quả trong diệt trừ mầm bệnh ở ngoài môi trường, từ áo quần, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển. Chú ý: khi phun thuốc sát trùng cần làm vệ sinh sạch sẽ chuồng trại vì nhiều loại thuốc sát trùng sẽ giảm hoặc mất tác dụng trong môi trường có nhiều chất hữu cơ như: Chlorine, Chloramin B, Chloramin T, Iodine, hoặc cũng chú ý có loại thuốc sát trùng tác dụng kém trên mầm bệnh cúm (virus nhóm lipophylic) như BKC chỉ nên dùng ở vùng chưa có dịch.

      - Giám sát chặt chẽ sức khoẻ đàn gia cầm hàng ngày, phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, gia cầm chết đột ngột đều phải được lấy mẫu xét nghiệm.

     - Thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của gia cầm nuôi và dã cầm đồng thời thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây truyền bệnh qua các nhân tố trung gian như thức ăn, nguồn nước, phương tiện vận chuyển, khách tham quan, …

     - Khi có kết quả xác định bệnh cúm phải thực hiện tiêu huỷ toàn đàn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

 

      Phòng bệnh cúm gia cầm ở người

      Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ và ngay cả Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu vacxin phòng cúm A H5N1 trên người, hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có vacxin phù hợp phòng bệnh cúm gia cầm lây nhiễm cho con người. Khi chưa có vacxin, chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng tránh sau đây:

    - Hạn chế tiếp xúc với gia cầm khoẻ, không tiếp xúc gia cầm có biểu hiện bệnh khi không có bảo hộ đầy đủ như khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ mắt…

    - Hạn chế mua gia cầm sống, chỉ nên mua gia cầm đã giết mổ và trứng gia cầm đã qua kiểm dịch thú y, được đóng gói bảo quản có ghi rõ nơi giết mổ và hạn sử dụng.

    - Chỉ ăn gia cầm và sản phẩm gia cầm đã nấu chín, không ăn tiết canh, trứng sống, trứng ốp la.

    - Luôn luôn rửa tay kỹ bằng xà bông trước khi ăn.

 

Tham khảo:

1. an Influenza: afowl fear, Dr Frank W.Edens, professor of physiology and Immunology, Department of Poultry Science, Asian Poultry, 224/07/2006

2. hly pathogent avian influenza in asia aspects of control and prevention,Technical Bulletin

3. Disease of Poultry, 11th edition.

4. int/csr/disease/avian_influenza/en/

5. www.reliefweb.int. 6. www.thepoultrysite.com/diseaseinfo/

 

Tin tức liên quan

Giá heo hơi hôm nay 23 / 05 / 2021

Ngày đăng: 18-05-2021

Giá heo hơi hôm nay 11/10/2020

Ngày đăng: 27-09-2020

BỆNH TỤ HUYẾT TRÙNG TRÊN GÀ VÀ CÁCH PHÒNG TRỊ

Ngày đăng: 14-05-2020
Chat facebook
Nhắn tin zalo
Gọi điện thoại